Con đường UI/UX có đáng để dấn thân trải nghiệm?
Có những lựa chọn nghề nghiệp đến với ta một cách tình cờ. Nhưng cũng có những lựa chọn khiến ta phải dừng lại, nghĩ kỹ, rồi mới bước vào. UI/UX Design là một trong những lựa chọn như vậy đối với mình
1. Một câu hỏi tưởng đơn giản — nhưng thật sự đáng suy nghĩ
Bạn có bao giờ tự hỏi chính bản thân mình rằng:
Tại sao lại chọn công việc hoặc ngành học hiện tại?
Liệu mình có đang thực sự học hoặc làm điều mình thấy có ý nghĩa? Hay chỉ là cố gắng kiếm một cái nghề để kiếm ra tiền?
Và nếu được chọn lại, liệu mình có chọn một con đường khác?
Mình đã từng đứng trước câu hỏi đó. Không phải vì mình ghét công việc cũ, mà vì mình tò mò với một thứ mới — thứ khiến mình thấy vừa thách thức vừa đầy hứng khởi: thiết kế giao diện & trải nghiệm người dùng. Hay còn gọi là UI/UX Design.
Từ những năm còn làm Graphic design cho công ty TMĐT khá nổi tiếng lúc bấy giờ, mình thấy rằng thiết kế nó ko chỉ xoay quanh đẹp xấu, mà ngày càng mình nhận ra rằng thiết kế nó phải mang lại sự thấu cảm và giải quyết được những “nỗi đau” của người dùng. Từ đó mình thấy rằng công việc thiết kế ngày càng có ý nghĩa trong cuộc sống, thông qua những sản phẩm chúng ta trải nghiệm hàng ngày.
2. Tiềm năng phát triển của UI/UX Design
Chúng ta đang sống trong thời kỳ mọi sản phẩm đều được số hóa: từ đặt vé máy bay, quản lý tài chính cá nhân, cho đến gọi xe, mua thuốc hay học trực tuyến. Và điều đáng nói là: trải nghiệm người dùng đang trở thành vũ khí cạnh tranh hàng đầu giữa các thương hiệu.
Những công ty dẫn đầu không chỉ vì họ có công nghệ tốt — mà vì họ mang đến trải nghiệm dễ dùng, dễ hiểu và dễ yêu. Tất cả những điều đó đều bắt nguồn từ việc thấu cảm “nỗi đau” của người dùng và giải quyết vấn đề của họ.
Điều mình nhận ra là:
Càng nhiều sản phẩm số ra đời, càng cần những người thiết kế trải nghiệm.
UI/UX không bị giới hạn ở một ngành: nó ứng dụng trong y tế, giáo dục, ngân hàng, thương mại điện tử, công nghệ…
Nghề này không phải là xu hướng nhất thời, mà là một mảnh ghép không thể thiếu của mọi đội ngũ sản phẩm hiện đại.
Dù cho công nghệ có ngày càng phát triển đến mức tự động hóa, nhưng nếu không có sự can thiệp của con người, những thứ đó giống như những vật vô tri ko cảm xúc. Dẫn đến người dùng cảm thấy chán nản và rời bỏ sản phẩm vì họ ko tìm thấy được sự kết nối với sản phẩm.
Ngoài việc học những phương pháp UX, các rule UI, thì mình cũng phải tự mình mày mò những công cụ dành cho thiết kế. Ngày xưa mình từng thiết kế một landing page trên Photoshop, nhưng bây giờ dễ dàng hơn rất nhiều rồi. Và Figma chính là chân ái trong cuộc đời UI/UX designer.
Nếu bạn quan tâm học Figma, mình có mở một lớp nho nhỏ để đồng hành cùng bạn chinh phục công cụ này, ko những vậy, bạn cũng sẽ học được những mindset về UI design sao cho phù hợp.
3. Mình thích suy nghĩ về người dùng — và những gì họ thật sự cần
Có một điều mình nhận ra khi bắt đầu tìm hiểu UI/UX Design:
Thiết kế không bắt đầu bằng việc vẽ, mà bắt đầu bằng sự đồng cảm (Empathize)
Mỗi sản phẩm đều được dùng bởi những con người cụ thể, có đặc điểm rõ ràng và cùng chung một “nỗi đau” (pain-point). Họ có thói quen, nỗi sợ, sự hấp tấp, những kỳ vọng — và đôi khi là cả sự bối rối.
Câu hỏi luôn vang lên trong đầu mình là:
“Liệu người dùng có hiểu được điều này không?”
“Liệu họ có dễ thao tác không?”
“Nếu họ đang vội, họ sẽ phản ứng ra sao?”
UI/UX không chỉ là công việc thiết kế giao diện, mà là nghề của sự quan sát, suy nghĩ, và đặt mình vào vị trí người khác. Mình cảm giác giống như designer đang đóng vai một nhà tâm lý học và phải cố gắng tháo gỡ những nút thắt quan trọng trong hành trình giải quyết vấn đề của họ.
Và mình thích điều đó — bởi vì nó giúp mình cảm thấy công việc mình làm không vô nghĩa. Nó giúp người khác tiết kiệm thời gian, bớt rối rắm, và có trải nghiệm tốt hơn mỗi ngày.
Ngày xưa khi còn làm ở Ahamove, mình được trải nghiệm công việc phỏng vấn người dùng. Họ là những tài xế (shippper) chạy ngoài đường liên tục, vì thế họ liên tục gặp vấn đề trong việc trải nghiệm sản phẩm.
Mình nhận ra rằng, những thứ mà chúng ta ngồi phỏng đoán trên văn phòng mát mẻ, thơm tho, tươm tất đều vô nghĩa trước 1 lý do đơn giản của user thực thụ, đó là “nó quá rườm rà”.
Đôi khi shipper họ chỉ cần những thông tin cụ thể, rõ ràng và phải to lên để dễ dàng nhận thấy khi chạy ngoài đường, phải đối diện với nhiều yếu tố để có thể giao hàng thành công.
4. Mình thích giải quyết vấn đề — và thiết kế chính là giải pháp
Có những người yêu thích giải toán, có người thích xây dựng hệ thống logic, có người mê phân tích dữ liệu. Với mình, thiết kế là cách mình giải quyết vấn đề. Nó không còn nằm ở việc đẹp xấu.
Mỗi khi bắt đầu một dự án UI/UX, mình luôn cảm thấy như đang ngồi trước một bài toán thú vị:
Người dùng đang gặp vấn đề gì? Tại sao họ lại rời bỏ sản phẩm hoặc quánh giá bad review trên app store?
Tại sao họ thoát ra ở bước này?
Làm thế nào để giảm thời gian hoàn tất thao tác?
Từng thay đổi nhỏ đều có thể tạo nên sự khác biệt lớn.
Một dòng chữ dễ hiểu hơn → tỷ lệ hoàn tất form tăng.
Một nút CTA đặt đúng chỗ → doanh thu tăng lên.
Một cách hiển thị thông minh hơn → người dùng ít nhầm lẫn hơn.
Thiết kế cho mình cảm giác mình đang giải quyết những thứ thật sự có ý nghĩa.
5. Kết lại: Chọn UI/UX — là chọn một công việc vừa thấu cảm vừa thực tế
Không phải ai cũng hợp làm UI/UX. Nhưng nếu bạn:
Quan tâm đến trải nghiệm người dùng
Thích giải quyết vấn đề của người dùng
Muốn làm điều gì đó tạo giá trị thật sự, ý nghĩa
… thì UI/UX có thể là một con đường đáng để trải nghiệm.
Với mình, UI/UX không phải là một nghề “đẹp đẽ để khoe”, mà là một công việc thầm lặng nhưng mạnh mẽ — nơi mình có thể dùng sự sáng tạo để giúp người khác sống dễ dàng hơn.
📣 Bonus
Nếu bạn đang muốn bắt đầu từ con số 0, chưa biết bắt đầu từ đâu, mình có hướng dẫn riêng tại khóa Xóa Mù Figma – một lớp học thân thiện dành cho người mới hoàn toàn, nơi mình trực tiếp hướng dẫn bạn từ tư duy đến công cụ, từ button đầu tiên đến sản phẩm đầu tay. Bạn có thể xem thêm chi tiết tại đây.
Cảm ơn bạn đã đọc hết, nếu bạn yêu thích có thể để lại comment hoặc subscribe để đón chờ những bài viết tiếp theo từ mình nhé.